GIAO NHANH
01 GIỜ HCM
Ngày 21-9-2013, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) ra tuyên bố ngành sản xuất tôm Mỹ không bị thiệt hại bởi tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, thuế chống trợ cấp mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới có kết luận điều tra một vài tuần trước sẽ không được áp dụng, các doanh nghiệp (DN) sẽ được hoàn lại tiền thuế ký quỹ từ quyết định sơ bộ.
"Đây là lần hiếm có trong lịch sử kiện chống trợ cấp, Mỹ công bố sản phẩm tôm một nước bị coi có nền kinh tế phi thị trường không bị áp loại thuế này. Vài ngày trước, tôm Việt Nam cũng lần đầu tiên được minh oan không bán phá giá tại Mỹ. Từ đây, các DN nước ta sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu tôm sang Mỹ" - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định.
Cơ hội chiếm lĩnh thị trường
Không giấu nổi vui mừng, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, bày tỏ: "Khi nhận được thông tin, không chỉ chúng tôi mà nhiều DN xuất khẩu thủy sản khác thấy như trút được gánh nặng đã đè trên vai quá lâu. Kể từ khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lần đầu tiên năm 2004, gần chục năm rồi tôm Việt Nam mới được minh oan. Rồi còn thoát khỏi thuế chống trợ cấp. Chúng ta thắng kiện như một kỳ tích!".
Ông cho rằng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tôm Việt Nam đã chứng tỏ được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới khi tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 1,7 tỉ USD. Nay với việc không phải chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cơ hội tăng sản lượng và giá trị tôm xuất khẩu vào Mỹ càng rộng mở.
"Thông tin này rất có lợi cho DN tôm Việt Nam vì thời điểm này chỉ còn mỗi Việt Nam là có nguồn cung nguyên liệu lớn nhất; các nước xuất khẩu tôm lớn như Thái Lan, Indonesia bị dịch bệnh tôm chết sớm gây thiệt hại nặng nề hơn" - ông Phạm Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nói thêm.
Việc tôm Việt không phải chịu hai loại thuế trên không chỉ cởi bỏ được áp lực cho DN xuất khẩu nước ta mà cả với nhà nhập khẩu Mỹ. Họ sẽ chọn tôm Việt Nam vì bán được giá cạnh tranh hơn và có nhiều lợi nhuận hơn trong khi nguồn cung từ Thái Lan, Argentina, Indonesia giảm mạnh, nhu cầu thế giới tăng cao, giá bán tôm cũng tăng.
Cần "diệt" thương lái tranh mua nguyên liệu
Mặc dù vậy, nhiều DN vẫn lo nhiều hơn mừng vì những mối nguy khó giải quyết còn tồn tại ngay trong nước. Dịch tôm chết sớm làm giảm nguồn cung nguyên liệu và nhất là tình trạng thương lái Trung Quốc tranh mua tôm đủ mọi kích cỡ, không kiểm chất lượng với giá cao hơn giá thị trường.
Hai tháng gần đây, Công ty CP Thực phẩm Agrex Saigon không mua được một con tôm nào từ nông dân vì bà con đem bán hết cho thương lái Trung Quốc. Tổng Giám đốc Phạm Hải Long cho biết khách hàng muốn ký hợp đồng ngày càng nhiều nhưng DN không dám ký vì không đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Còn ông Trần Văn Lĩnh (Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước) nói hành động tăng giá mua tôm của thương lái Trung Quốc đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên cao. Nên dù giá xuất khẩu có tăng thì DN vẫn không có lãi do ký hợp đồng với nhà nhập khẩu vào thời điểm giá thấp.
Do đó, theo ông, việc cần làm trước hết là "diệt" ngay những thương lái làm rối loạn thị trường, kiểm tra chặt chất lượng, dư lượng kháng sinh trong tôm trước khi xuất. Thứ hai là phải khắc phục dịch bệnh, cần có chính sách phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành xuất khẩu chủ lực. Thứ ba là ưu đãi thuế, vốn... đối với DN có chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu bền vững, sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Hải sản nhập khẩu - Tôm Hùm Canada
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết hiệp hội đã có công văn gửi các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý tình trạng thương lái Trung Quốc núp bóng tận mua tôm nguyên liệu làm loạn thị trường. Bên cạnh đó là việc tiếp tục phát triển số lượng DN thủy sản có liên kết chuỗi thủy sản bền vững, đảm bảo nguyên liệu xuất khẩu.
Nguồn sưu tầm