GIAO NHANH
01 GIỜ HCM
Cá chép giòn là giống cá chép bình thường nhưng điểm làm nên sự khác biệt đó là ở trong nguồn thức ăn cho cá chép, đậu tằm protein thô chiếm hơn 31%, lipid thô chỉ 0,15%... là yếu tố quyết định dẫn tới thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên thịt cá chắc giòn.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy thành phần thức ăn, đặc biệt thành phần protein trong đậu tằm có fibrinozen làm thịt cá dai giòn. Cá chép giòn đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ cá chép, cá trắm, mà một số loài cá khác nếu nuôi bằng đậu tằm cũng cho sản phẩm thịt cá giòn tương tự.
Cá chép giòn được nuôi nhiều nơi, nhiều nhất tại các khu vực sông miền tây. Để nuôi cá chép giòn trên sông ít hao hụt, lớn nhanh người miền tây có bí quyết riêng của mình.
Năm 2013, anh Chiến - một nông dân miền Tây khăn gói đến tỉnh Hải Dương tìm tòi học nghề nuôi giống cá lạ này. Khi được hướng dẫn kỹ thuật và mua cá giống của người bạn, anh đem về An Giang nuôi thử nghiệm trên 200 m2 mặt nước. Sau một năm nuôi, thu hoạch gần 2 tấn cá thương phẩm, anh bán với giá 190.000 đồng/kg và có lợi nhuận trên trăm triệu đồng.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ rộng và nguồn lợi nhuận cao hơn so với các loại cá khác nên anh quyết định chuyển sang mở rộng diện tích lên 3 bè, mỗi bè 200 m2, và thả nuôi 20.000 cá giống hiện được 3 tháng.
Anh Chiến cho hay, cá chép Giòn không khó nuôi tỷ lệ hao hụt khoảng 1%. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường hiện nay rất lớn, nhưng lại yêu cầu cá phải đạt trọng lượng từ 1,2 kg trở lên mới mua. Do vậy, để đạt được mức cân nặng 1,2 - 1,5 kg sau một năm, người nuôi sẽ chọn mô hình lồng bè trên sông kết hợp với thức ăn công nghiệp và đậu tằm.
Thực tế, cá chép giòn chính là loại cá chép thường, sau khi nuôi đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, người nuôi sẽ vỗ béo cá bằng đậu tằm. Loại đậu có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%... chính là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn.
Anh Chiến cho biết thêm, cá nuôi khoảng 9 tháng bằng thức ăn công nghiệp cũng giống như các loại cá khác. Sau đó, người nuôi chọn lọc cá đạt trọng lượng 1 kg trở lên để tiến hành vỗ béo riêng biệt bằng thức ăn đậu tằm. Ở giai đoạn này, để cá đạt từ 1,2 đến 1,5 kg/con phải mất thời gian 3 tháng. Và cứ 1 tấn cá nuôi tiêu tốn khoảng 1,5 tấn đậu tằm. Còn cá đạt trọng lượng 1 kg tiêu tốn 2 kg thức ăn công nghiệp.
Hiện nguồn đậu tằm rất phong phú, được trồng trong nước ở miền Trung, Đà Lạt hay nhập khẩu từ các nước Trung Quốc và Thái Lan, với giá 25.000 đồng/kg. Để cho cá chép ăn, người nuôi phải ngâm nước 12 giờ, và những hạt to phải cắt ra làm đôi.
Cũng theo anh Chiến, cá chép giòn là đối tượng mới trong ngành nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long, bước đầu đã mang lại hiệu quả cho người nuôi vì giá trị thương phẩm cao gấp nhiều lần so với cá chép thông thường. Hiện loại này rất được chuộng và nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và TP.HCM đặt mua, với giá lên đến 500.000 đồng/kg.
Ngoài việc nuôi cá chép thương phẩm, anh Chiến còn cung cấp cá giống cho hộ nuôi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với giá bán 3.000 đồng/con.
Nguồn: Sưu tầm